Diễn biến các trận đánh Chiến_dịch_Phan_Rang_-_Xuân_Lộc

Các trận đánh tại thượng du miền Đông Nam Bộ

Một tuần sau khi Chiến dịch Tây Nguyên 1975 mở màn, Quân đoàn 4 Quân Giải phóng miền Nam mở các trận đánh trên hướng Tây Ninh - Bình Dương, tiếp tục những mục tiêu mà họ chưa đạt được vào ba năm trước. Tại đây, QLVNCH không còn tuyến phòng thủ liên hoàn như năm 1972 do không đủ binh lực và phương tiện chốt giữ. Mặc dù tuyến này không phải là hướng trọng điểm trong các hướng tiến công của Quân Giải phóng năm 1975 nhưng do vị trí tiếp giáp Sài Gòn từ hướng Tây Bắc nên những trận đánh tại miền Đông Nam Bộ trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1975 đã thu hút một phần lớn binh lực của Quân đoàn III QLVNCH, không cho các lực lượng này được rảnh rỗi để chi viện cho các hướng khác. Tại Tây Ninh, QLVNCH bố trí 1 sư đoàn bộ binh, (sư đoàn 25), 2 liên đoàn biệt động quân và 4 chi đoàn thiết giáp. Tại Bình Dương có 1 sư đoàn bộ binh (sư đoàn 5), 1 liên đoàn biệt động quân và 1 chi đoàn thiết giáp.[28]

Bộ Tư lệnh quân đoàn 4 Quân Giải phóng quyết định chọn tuyến Dầu Tiếng - Chơn Thành là điểm yếu nhất trong các cứ điểm phòng thủ từ xa của Quân đoàn III - QLVNCH tại hướng Bắc Tây Bắc Sài Gòn. QLVNCH bố trí tại đây 4 tiểu đoàn bảo an (35, 304, 312, 352) với 2600 quân, 1 chi đoàn thiết giáp, 10 khẩu pháo 105 mm. Trung tâm phòng ngự của QLVNCH tại tuyến này là chi khu quân sự Dầu Tiếng nằm ở điểm tiếp giáp ba tỉnh Tây Ninh, Bình Long và Bình Dương. Khu vực này được cấu trúc thành cụm cứ điểm kiên cố gồm 47 đồn, gần 100 lô cốt với 2000 quân. Tại khu vực ngoại vi trên đường 239, Bến Củi, Suối Ông Hùng có 6 đồn, 11 lô cốt với 600 quân. Nhiệm vụ tấn công chi khu quân sự được Quân đoàn 4 giao cho sư đoàn 9 với 3 trung đoàn bộ binh, được tăng cường trung đoàn 16, tiểu đoàn 22 xe tăng (thiếu 1 đại đội), 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn cao xạ.[29][30]

5 giờ sáng ngày 11 tháng 3, sư đoàn 9 nổ súng tấn công chi khu quân sự Dầu Tiếng. Pháo binh QLVNCH của chi khu và tại các căn cứ lân cận như Rừng Nần, Bàu Đồn, Chà Là đã chi viện cho lực lượng phòng thủ chi khu chặn được mũi tấn công chính của Sư đoàn 9 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong ngày 11 tháng 3. Chiều 11 tháng 3, tướng Lê Nguyên Khang điều chi đoàn 3 thiết đoàn 45 thuộc lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp từ Bàu Đồn theo đường 239 lên giải tỏa cho Dầu Tiếng nhưng bị trung đoàn 16 Quân Giải phóng phục kích chặn đánh tại Suối Ông Hùng, phải lui về Bàu Đồn. Các trận địa pháo của QLVNCH tại Bàu Đồn và Rừng Nần cũng bị tiểu đoàn pháo binh của sư đoàn 9 bắn kiềm chế.[31]

Ngày 12 tháng 3, Quân Giải phóng tiếp tục tấn công, kết hợp với đột kích bằng bộ binh, có pháo binh và xe tăng yểm hộ với đặc công dùng thuốc nổ phá hầm ngầm cố thủ tại chỉ huy sở chi khu. Thiếu tá chi khu trưởng Võ Văn Quý dẫn số quân còn lại rút về Bàu Đồn. Lúc 9 giờ 40 phút cùng ngày, Quân Giải phóng làm chủ chi khu quân sự Trị Tâm (Dầu Tiếng). Ngày 13 tháng 3, trung đoàn 2 (sư đoàn 9) được tăng cường tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 3) cùng 1 đại đội xe tăng yểm trợ tấn công cụm phòng ngự Tam giác trên đường 239 và các đồn lẻ Vườn Chuối, Ngã ba Sắc, Cầu Tàu, Bến Củi và làm chủ trận địa sau ba giờ giao chiến. Mặc dù Bộ tham mưu Quân đoàn III QLVNCH đã có kế hoạch sử dụng 2 chiến đoàn của sư đoàn 25 có lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp tăng phái mở cuộc phản kích lấy lại Dầu Tiếng nhưng phải hủy bỏ vì lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu lui về giữ Truông Mít, Bầu Đồn, Tây Ninh.[32]

Ngày 16 tháng 3, trước nguy cơ bị tiêu diệt, QLVNCH bỏ An Lộc; rút 2 liên đoàn biệt động quân và lực lượng của tiểu khu An Lộc về tăng cường cho lực lượng cố thủ tại Chơn Thành. Từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 3, các trung đoàn 1 và 2 (sư đoàn 9 liên minh Quân Giải phóng) được phối thuộc 2 tiểu đoàn của tỉnh đội Bình Phước mở cuộc tấn công Chơn Thành lần thứ nhất nhưng bị đánh bật lại. Ngày 31 tháng 3, sau khi tập trung đầy đủ 3 trung đoàn bộ binh, được Bộ chỉ huy quân đoàn 4 tăng cường trung đoàn 273 (sư đoàn 341) và tiểu đoàn pháo binh gồm 15 khẩu, trong đó có 4 khẩu 130 mm, sư đoàn 9 bao vây và tiếp tục tập kích cụm cứ điểm Chơn Thành. QLVNCH điều 1 chi đoàn thuộc lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp lên giải vây cho Chơn Thành nhưng đã bị những lực lượng của trung đoàn 1, trung đoàn 2 chặn đứng trên đường số 13. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, lực lượng còn lại của liên đoàn 31 biệt động quân tại Chơn Thành đã mở đường máu rút sang phía Đông, lui về hậu cứ của chiến đoàn 315 tại Bàu Bàng. Sư đoàn 9 Quân Giải phóng đánh chiếm toàn bộ quận lỵ Chơn Thành ngày 2 tháng 4. 2134 sĩ quan, binh sĩ QLVNCH bị tiêu diệt, 472 người bị bắt, 16 máy bay các loại bị bắn rơi. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thu giữ 39 xe quân sự (trong đó có 8 xe tăng), gần 1000 súng các loại (trong đó có 5 khẩu pháo cỡ 105 và 155 mm); chiếm lĩnh hoàn toàn tỉnh Bình Long và tạo ra nhiều bàn đạp chiến thuật bao quanh cụm cứ điểm Xuân Lộc.[33]

Mặt trận Xuân Lộc

Bài chi tiết: Trận Xuân Lộc

Ngay sau các trận đánh tại thượng du miền Đông Nam Bộ, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Quân đội Nhân dân Việt Nam có bốn ngày để chuẩn bị cho trận đánh tại quyết chiến điểm Xuân Lộc. Thiếu tướng Hoàng Cầm, tư lệnh quân đoàn sử dụng phương án 2 và trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Bắc và Tây Bắc. Đại tá Bùi Cát Vũ, phó tư lệnh Quân đoàn chỉ huy cách quân Đông.[34] Tại cụm cứ điểm Xuân Lộc, Chuẩn tướng Lê Minh Đảo và đại tá Nguyễn Văn Phúc, tỉnh trưởng Long Khánh cũng bố trí xong trận địa phòng thủ. Lê Minh Đảo tuyên bố với báo chí: "Tôi thề giữ vững Xuân Lộc. Bất chấp cộng sản tập trung bao nhiêu sư đoàn, tôi cũng đánh gục họ. Tôi sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết sức mạnh và tài ba của Quân lực Việt Nam Cộng hòa".[35]

5 giờ 40 phút sáng ngày 9 tháng 4 năm 1975, chiến sự tại Xuân Lộc mở màn với trận pháo kích gần một giờ của bốn cụm pháo binh chiến dịch thuộc Quân đoàn 4 - Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sư đoàn 341 từ hướng Bắc nhanh chóng đánh chiếm khu thông tin, khu cố vấn Hoa Kỳ và khu cảnh sát sau hơn một giờ công kích. Tuy nhiên, cách quân này vẫn phải dừng lại phòng ngự cơ động do bị Chiến đoàn 52 QLVNC phản kích vào bên sườn phía Nam. Ngược lại, cánh quân phía đông của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (sư đoàn 7) đã không chờ xe tăng đi cùng, phát triển tấn công trước nên bị thương vong nhiều. Đến 8 giờ, tám xe tăng của Quân đoàn 4 mới đến chi viện nhưng bộ binh không theo kịp để yểm hộ, bị QLVNCH bắn cháy ba chiếc gần ấp Bảo Chánh A.[36]. Đến xế trưa, các trung đoàn 209 (sư đoàn 7) và 270 (sư đoàn 341) chốt giữ vòng ngoài đã đánh bại cuộc phản kích giải tỏa Sở chỉ huy sư đoàn 18 và dinh tỉnh trưởng Long Khánh do các chiến đoàn 43 và 48 thực hiện tại Núi Thị, Tân Phong, Bảo Toàn, bắn cháy 7 xe tăng của QLVNCH tại ấp Bảo Toàn[37]. Tại hướng Nam, sư đoàn 6 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phối hợp tấn công dọc theo quốc lộ 1 từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, chiếm ấp Trần Hưng Đạo, phá hủy 11 xe tăng và xe bọc thép của Chiến đoàn 322 định ứng cứu cho Xuân Lộc từ phía Tây.[38] Trong ngày 9 tháng 4, các chiến đoàn của Sư đoàn 18 QLVNCH tổ chức hàng chục trận phản kích vào các cánh quân của Quân đoàn 4 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, chặn được đà tiến quân của các lực lượng này, đặc biệt là trên hướng tấn công chủ yếu từ phía Tây Bắc.[39]

Từ này 10 đến ngày 11 tháng 4, các trung đoàn 141, 165 và 207 (sư đoàn 7) có xe tăng yểm hộ tiếp tục tấn công hậu cứ Sư đoàn 18, chiến đoàn 52 và thiết đoàn 5 QLVNCH nhưng cả ba mũi tấn công đều bị chặn đứng. Trên hướng Tây Bắc, các trung đoàn 226 và 270 (sư đoàn 341) tiếp tục phái đổi phó với các trận phản kích của các Chiến đoàn 322 và 43. Trên hướng phối hợp, trung đoàn 33 (sư đoàn 6) chiếm được một phần chi khu quân sự Dầu Giây. Trong hai ngày này, không quân VNCH từ Biên Hòa đã tổ chức hơn 200 phi vụ ném bom, yểm hộ cho sư đoàn 18 và các đơn vị QLVNCH đang phòng thủ tạị Xuân Lộc. Do các lực lượng phòng thủ Xuân lộc đã bị chia cắt thành ba cụm: Núi Thị, Dầu Giây và thị xã, đêm 11 tháng 4, tướng Lê Minh Đảo bí mật chuyển Sở chỉ huy sư đoàn 18 từ trong thị xã ra Chi khu Tân Phong. Đại tá Phạm Văn Phúc, tỉnh trưởng Long Khánh cũng di tản lên căn cứ Núi Thị.[40]

Ngày 12 tháng 4 năm 1975. Bộ Tổng tham mưu QLVNCH quyết định tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc nhiều đơn vị rút từ lực lượng tổng trù bị. Lữ đoàn dù 1 đổ bộ xuống đồn điền cao su Bảo Định. Hai lữ đoàn thủy quân lục chiến được điều đến phòng ngự phía Đông căn cứ Biên Hòa. Liên đoàn 33 biệt động quân, trung đoàn 8 bộ binh (sư đoàn 5), 8 tiểu đoàn pháo binh, 3 chi đoàn thiết giáp 3/15, 3/18, 3/22 được đưa đến khu vực Tân Phong, Dầu Giây. Sư đoàn 3 và sư đoàn 5 không quân tại Biên Hòa và Tân Sơn Nhất tổ chức mỗi ngày từ 80 đến 120 phi vụ yểm hộ cho cụm phòng thủ Xuân Lộc[41]. 14 giờ ngày 12 tháng 4, Không lực VNCH đã sử dụng máy bay C-130 ném hai quả bom CBU-55 (bom Daisy Cutter), một trong những loại vũ khí phi hạt nhân có sức hủy diệt hàng loạt xuống xã Xuân Vinh, sát thị xã Xuân Lộc, gây thương vong hơn 2000 quân nhân Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và dân thường.[42][43]

Ngày 13 tháng 4, tướng Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đến Sở chỉ huy Quân đoàn 4. Tại đây, ông quyết định tạm dừng tấn công và thay đổi cách đánh, sử dụng sư đoàn 6 và một phần của sư đoàn 341 chuyển hướng tấn công chủ yếu sang phía Tây Nam cụm phòng thủ Xuân Lộc tại điểm yếu nhất là khu Dầu Giây, cắt đường số 2 đi Bà Rịa - Vũng Tàu, cắt đường 1 đoạn Xuân Lộc - Biên Hòa, tổ chức nhiều chốt chặn trên địa đoạn Trảng Bom - Biên Hòa. Bằng cách đó, có thể dùng "thế" để đánh chiếm Xuân Lộc. Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 cũng điều trung đoàn 95B tăng cường cho Quân đoàn 4 tại mặt trận Xuân Lộc. QLVNCH cho rằng họ đã đẩy lùi cuộc tấn công của đối phương, chấm dứt thời kỳ rút lui. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố "khả năng chiến đấu của quân lực Việt Nam cộng hòa đã được phục hồi" và "đủ mạnh để giữ vững chế độ". Tướng Lê Minh Đảo cũng tuyên bố "Việt cộng muốn qua Long Khánh phải bước qua xác của Đảo này".[44]

Tuy nhiên, đến ngày 15 tháng 4 thì tình hình mặt trận đã diễn biến khác hẳn. Sáng 15 tháng 4, pháo binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam không bắn phá thị xã Xuân Lộc mà nhằm vào sân bay Biên Hòa. Trong gần một ngày, sư đoàn 3 KQVNCH tại đây đã bị trúng bom không tổ chức được một phi vụ xuất kích nào. Để có đủ hỏa lực yểm hộ cho Xuân Lộc từ trên không, Sư đoàn 4 không quân tại căn cứ Trà Nóc được huy động. Ngay trong ngày 15 tháng 4, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B Quân Giải phóng miền Nam đã đánh tan Chiến đoàn 52 và Chi đoàn thiết giáp số 13 của QLVNCH tại Túc Trưng, Kiệm Tân, ngã ba Dầu Giây và căn cứ Nguyễn Thái Học, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây Xuân Lộc. Toàn bộ chiến đoàn chỉ còn hơn 200 người sống sót[45] Trong hai ngày 16 và 17 tháng 4, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III - QLVNCH sử dụng Lữ đoàn thiết giáp số 3 và Chiến đoàn 8 (sư đoàn 5) với sự yểm hộ của gần 200 phi vụ ném bom và hơn 100 khẩu pháo tại các căn cứ Nước Trong, Bà Thức, Long Bình, Đại An phản kích theo đường số 1 nhằm giải toả ngã ba Dầu Giây nhưng đều bị các lực lượng của Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đẩy lùi về Bàu Cá. Trên các khu vực xung quanh thị xã Xuân Lộc, các chiến đoàn 43, 48 và tiểu đoàn dù 2 (lữ đoàn dù 1) QLVNCH liên tục bị tập kích và tiêu hao.[46]

Từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 4, các tuyến phòng thủ của QLVNCH tại Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân liên tiếp bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phá vỡ. Các đơn vị phái đi trước của Cánh quân Duyên Hải của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (gồm Quân đoàn 2 và chủ lực khu 5) đã có mặt tại Rừng Lá, cách Xuân Lộc 10 km về phía Đông, các trục lộ giao thông quan trọng nối Xuân Lộc với các địa bàn xung quanh đều bị cắt đứt. Trước nguy cơ bị bao vây và tiêu diệt hoàn toàn, ngày 19 tháng 4, tướng Lê Minh Đảo điện cho Bộ Tổng tham mưu QLVNCH đề nghị rút khỏi Xuân Lộc và lập tức được chấp thuận với yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối kế hoạch rút lui. Ngày 20 tháng 4, dưới trời mưa tầm tã, hơn 200 xe quân sự các loại vận chuyển những đơn vị QLVNCH còn lại tại Xuân Lộc di chuyển theo liên tỉnh lộ 2 hướng đi Bà Rịa rồi theo đường mòn vòng về Biên Hòa. Những đơn vị này đã bị một tiểu đoàn của tỉnh đội Long Khánh (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) truy kích và tiêu diệt toán quân rút sau cùng. Viên đại tá Phạm Văn Phúc, tỉnh trưởng Long Khánh và trung tá Lê Quang Định phó tỉnh trưởng tử trận[47][48]. "Cánh cửa thép" Xuân Lộc bị đập vỡ. Trận đánh có tổ chức nhất của QLVNCH trước cửa ngõ Sài Gòn tháng 4 năm 1975 kết thúc với sự rút lui của các đơn vị tổng trù bị cuối cùng khiến Sài Gòn không còn một lực lượng nào đáng kể để mặc cả với đối phương. Theo Frank Snepp, đại tướng Cao Văn Viên phải bất đắc dĩ mà công nhận rằng: quân đội không còn chiến đấu được nữa và không còn hy vọng gì thắng trận.[49]

Mặt trận Phan Rang

Do phải hành quân trên chặng đường dài hơn 400 km từ Quảng Nam vào nên đến sáng 13 tháng 4, các chi đội phái đi trước của cánh quân Duyên hải (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) gồm sư đoàn 3 Sao Vàng và trung đoàn bộ binh 25 (được điều từ Quân đoàn 3 sang phối thuộc) mới có mặt tại phía Nam Cam Ranh. Bộ tư lệnh cánh quân Duyên Hải giao cho Sư đoàn này nhiệm vụ đánh chiến Phan Rang trong hành tiến. Việc chuẩn bị lực lượng chỉ trong một ngày.[50]

Sáng ngày 14 tháng 4, sư đoàn 3 Sao Vàng bắt đầu đột phá tuyến phòng thủ tại hẻm Du Long do Trung đoàn 5 (sư đoàn 2) và Liên đoàn 31 biệt động quân QLVNCH trấn giữ. Để hạn chế thương vong, Bộ tư lệnh sư đoàn 3 chỉ dùng trung đoàn 2 đánh vỗ mặt, điều trung đoàn 52 luôn sâu và phía Nam, bất ngờ đánh chiếm hai điểm chốt tại ấp Bà Râu và cảng Ninh Chữ; đến buổi chiều cùng ngày thì khép được vòng vây cánh quân của QLVNCH ở phía Bắc Phan Rang tại Bà Râu, Du Long, Kiền Kiền, Ba Tháp, Suối Đá. Trên hướng Tây Bắc, trung đoàn 25 đánh bật các đợt phản kích của trung đoàn 4, sư đoàn 2 tại đèo Ngoạn Mục, đẩy đơn vị này phải lùi khỏi tuyến phòng ngự ngoại vi Phan Rang rút về thị xã. Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, điều 8 máy bay A-37 ném bom phá sập cầu Kiền Kiền và dùng trực thăng đổ thêm quân xuống tuyến phòng thủ Kiền Kiền - Ba Tháp, tạm thời chặn được mũi tấn công của Sư đoàn 3 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở hướng này.[51]

Ngày 15 tháng 4, Sư đoàn 3 Sao Vàng một mặt vẫn sử dụng trung đoàn 2 và trung đoàn 52 phá vỡ tuyến phòng ngự phía Bắc Phan Rang tại Kiền Kiền và Ba Tháp; mặt khác tiếp tục điều động từ lực lượng dự bị của mình các trung đoàn 12 và 141 vượt đường số 1 thực hiện mũi vu hồi thọc sâu thứ hai, tấn công áp sát sân bay Thành Sơn, vây chặt thi xã Phan Rang. Tướng Phạm Ngọc Sang tiếp tục lệnh cho sư đoàn 6 không quân ném bom đánh sập tất cả các cầu ở phía Bắc Du Long nhưng vẫn không ngăn cản được các đơn vị xe tăng phái đi trước của Lữ đoàn 203 - Quân đoàn 2 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp cận Phan Rang. Trưa 15 tháng 4, tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III và tổng trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn ra thị sát Phan Rang trong một chuyến đi chớp nhoáng. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi xin tăng viện một tiểu đoàn dù nhưng được trả lời rằng quân dù hiện đang tăng phái cho Xuân Lộc, không còn đơn vị nào để điều cho Phan Rang. Tối hôm đó, các tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang, Trần Văn Nhựt (tư lệnh sư đoàn 2) và các đại tá Lê Quang Lưỡng (chỉ huy quân dù), Nguyễn Văn Biết (chỉ huy biện động quân) bàn định một kế hoạch phản công quy mô vào sáng hôm sau để khôi phục tình hình ở Du Long.[52]

Ngay khi tiếp cận chiến trường, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 điều động thêm trung đoàn bộ binh 101 (sư đoàn 325) và một tiểu đoàn xe tăng thuộc lữ đoàn 203 tham chiến. 5 giờ sáng ngày 16 tháng 4, tất cả các cánh quân của sư đoàn 3 và trung đoàn 25 tấn công hợp điểm vào trung tâm thị xã. Chưa kịp ra lệnh phản công, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã nhận được tin điện khẩn cấp từ Liên đoàn 31 biệt động quân đóng tại Hội Diên, Xuân An báo về: "Xe tăng cộng sản vượt qua sông suối đang tràn qua Du Long vào Phan Rang". Tướng Sang ra lệnh cho tất cả các máy bay còn bay được lập tức xuất kích ngăn chặn xe tăng đối phương. Tuy nhiên, ngay sau đó, một trận pháo kích mạnh của pháo binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phá hỏng đường băng sân bay Thành Sơn. Các máy bay đã cất cánh phải quay về Biên Hòa sau khi thực hiện phi vụ.[53] Lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày, trung đoàn 101 đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, bắt sống đại tá Nguyễn Văn Tư, tỉnh trưởng Ninh Thuận. Lúc 10 giờ cùng ngày, trung đoàn 25 làm chủ sân bay Thành Sơn, bắt sống trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi - Phó tư lệnh Quân đoàn III và chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, chỉ huy sư đoàn 6 không quân QLVNCH. "Lá chắn Phan Rang" của QLVNCH đã chịu chung một số phận với "Lá chắn Xuân Lộc".[54]